Phá vỡ rào cản: Cách e-HKD thúc đẩy sự phát triển của tài sản được token hóa và chấp nhận tiền điện tử
Bài viết này trình bày tổng quan về e-HKD, những cột mốc phát triển và cách đồng tiền này có thể trở thành tiền tệ kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (CBDC) đầu tiên hoạt động song song với các tài sản kĩ thuật số.
Tóm tắt
- Cơ quan tiền tệ Hồng Kông (HKMA) đang phát triển e-HKD như một phần trong chiến lược Fintech 2025 của mình.
- e-HKD là phiên bản kỹ thuật số của tiền giấy, với các hệ thống bán buôn và bán lẻ riêng biệt.
- Hiện tại, e-HKD đang trong giai đoạn thí điểm và được phát triển để thúc đẩy sự phát triển của các tài sản kĩ thuật số. Sáng kiến này phù hợp với nhiều chính sách và quy định mới về tiền điện tử của HKMA.
Tổng quan về e-HKD
e-HKD là gì?
e-HKD là một CBDC đang được phát triển như một phần không thể thiếu trong chiến lược Fintech 2025 của HKMA. Mục tiêu chính của chiến lược này là đảm bảo rằng Hồng Kông chuẩn bị đầy đủ cho việc chấp nhận CBDC trong tương lai.
e-HKD chỉ là một đại diện kỹ thuật số của tiền giấy, vì vậy đồng tiền này sẽ không ảnh hưởng trực tiếp đến tỷ giá cố định của HKD với USD. Cấu trúc của CBDC bao gồm một hệ thống bán buôn để phát hành và giao dịch giữa các ngân hàng, cùng với một hệ thống bán lẻ để phân phối và lưu thông. Hệ thống bán buôn sử dụng công nghệ sổ cái phân tán (DLT) và có sự tham gia của các bên trung gian được chọn cùng với ngân hàng trung ương. Các bên trung gian và công chúng có thể truy cập hệ thống bán lẻ. Mô hình hai cấp đảm bảo giao tiếp an toàn giữa các hệ thống và cho phép phân phối CBDC hiệu quả. Đồng bộ hóa và xác nhận giữa hệ thống bán buôn và bán lẻ được thực hiện qua các giao dịch được ký và cơ sở hạ tầng dành cho nhà xác thực.
Cột mốc quan trọng
Nghiên cứu về e-HKD bắt đầu với việc điều tra hệ thống bán buôn thông qua Dự án LionRock vào năm 2017, đánh giá tính ứng dụng của CBDC trong các khoản thanh toán và quyết toán có giá trị lớn.
Vào năm 2019, HKMA đã hợp tác với Ngân hàng Thái Lan trong Dự án Inthanon-LionRock để khám phá các hoạt động thanh toán xuyên biên giới với CBDC. Sự hợp tác này giúp phát triển một bằng chứng khái niệm thành công dựa trên công nghệ DLT với sự tham gia của 10 ngân hàng từ cả hai khu vực.
Khi tiếp tục nghiên cứu sâu hơn, dự án đã phát triển thành Dự án mBridge, với các đối tác từ Trung Quốc Đại lục, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Thái Lan. Mục đích của dự án mBridge là thúc đẩy các giao dịch ngoại hối xuyên biên giới theo thời gian thực và các trường hợp sử dụng tiềm năng của cả nội tệ và ngoại tệ cho doanh nghiệp. Dự án có sự tham gia của 22 tổ chức trong 11 ngành từ 4 khu vực pháp lý tham gia cùng hợp tác để xác định 15 trường hợp sử dụng tiềm năng cho doanh nghiệp. Trong chương trình thí điểm kéo dài 6 tháng vào năm 2022, mBridge đã hỗ trợ thành công hơn 171 triệu HKD cho các giao dịch xuyên biên giới của doanh nghiệp.
Mặt khác, việc phát triển mô hình dành cho e-HKD bán lẻ là một nỗ lực hợp tác được thực hiện bởi HKMA và Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS). Hai bên đã cùng nhau phát hành sách trắng kỹ thuật cho e-HKD vào năm 2021, sách trắng chuyên sâu đầu tiên về CBDC trên thế giới. Sách trắng đã nêu ra các lựa chọn thiết kế tiềm năng cho e-HKD, với các thỏa thuận bảo vệ quyền riêng tư cho phép truy xuất nguồn gốc giao dịch.
Nhằm khuyến khích hoàn toàn việc triển khai e-HKD trong tương lai, HKMA đã áp dụng phương pháp tiếp cận "ba đường ray". Cách tiếp cận này bao gồm việc đặt ra nền tảng kỹ thuật và pháp lý, sau đó tiến hành khai thác chi tiết và triển khai các trường hợp sử dụng thông qua các chương trình thí điểm, cuối cùng là ra mắt e-HKD. HKMA cam kết theo dõi các xu hướng toàn cầu để đảm bảo ra mắt e-HKD kịp thời, giúp giải quyết nhu cầu thị trường và tăng cường khả năng cạnh tranh của Hồng Kông trong lĩnh vực thanh toán toàn cầu.
Với e-HKD, mục tiêu của HKMA là cách mạng hóa bối cảnh tài chính của Hồng Kông và cung cấp một loại tiền kỹ thuật số hiện đại và hiệu quả, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, tăng cường sự ổn định tài chính và củng cố vị thế của Hồng Kông như một trung tâm tài chính quốc tế hàng đầu.
e-HKD và nỗ lực của Hồng Kông nhằm thúc đẩy việc chấp nhận tiền điện tử và chuyển đổi số
Hồng Kông đã thể hiện cam kết mạnh mẽ trong việc hỗ trợ phát triển tiền điện tử và công nghệ Web3, định vị mình là một trung tâm hàng đầu trong ngành. Việc chính phủ triển khai Chính sách Phát triển Tài sản ảo vào tháng 10 năm 2022 đã tạo ra một môi trường thuận lợi cho sự phát triển của tiền điện tử. Chính sách này mang đến sự minh bạch và lộ trình cho các doanh nghiệp hoạt động trong không gian tài sản ảo, giúp củng cố niềm tin của nhà đầu tư và thu hút sự quan tâm từ nhiều công ty tiền điện tử. Vì vậy, hơn 80 công ty tiền điện tử đã mong muốn thiết lập sự hiện diện ở Hồng Kông, một minh chứng cho hệ sinh thái thuận lợi của thành phố này đối với tài sản kỹ thuật số.
Nhằm tăng cường sức hấp dẫn và duy trì lợi thế cạnh tranh, Hồng Kông chuẩn bị áp dụng cơ chế cấp phép toàn diện và minh bạch cho các nhà cung cấp dịch vụ tài sản ảo vào tháng 6 năm 2023. Khung pháp lý cấp phép này sẽ cung cấp các hướng dẫn và quy định rõ ràng cho các công ty hoạt động trong không gian tài sản ảo, đảm bảo tính minh bạch, bảo mật và sự giám sát theo quy định cao hơn.
Với việc giới thiệu khung pháp lý cho stablecoin do HKMA tiên phong càng nhấn mạnh cam kết của Hồng Kông đối với chuyển đổi kỹ thuật số hơn. Dự kiến được triển khai vào năm 2024, khung pháp lý này sẽ mang đến sự rõ ràng và hướng dẫn cho hoạt động của stablecoin, đóng góp vào mức độ tăng trưởng và sự ổn định của hệ sinh thái tài sản kỹ thuật số tại Hồng Kông. Theo Christopher Hui, Bộ trưởng Bộ Tài chính và Dịch vụ Tài chính, việc Hồng Kông tập trung vào công nghệ và ứng dụng Web3 nhấn mạnh cam kết nắm bắt các công nghệ tài chính tân tiến và đóng vai trò là trung tâm Web3 nổi bật ở châu Á và hơn thế nữa. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi sự phát triển của e-HKD góp phần thúc đẩy sự phát triển của tài sản kỹ thuật số ở Hồng Kông.
Vào tháng 5 năm 2023, HKMA đã tuyên bố trong một thông cáo báo chí rằng mục đích của Chương trình Thí điểm e-HKD là khám phá các trường hợp sử dụng tiềm năng của e-HKD trong các danh mục khác nhau, bao gồm các khoản nạp tiền token hoá, thanh toán giao dịch Web3 và thanh toán tài sản được token hoá. Với việc tích cực tham gia vào chương trình thí điểm này, Hồng Kông đã cho thấy cách tiếp cận chủ động để tận dụng các loại tiền kỹ thuật số của mình.
Đáng chú ý trong Chương trình Thí điểm e-HKD là sự tham gia của Ripple và Ngân hàng Fubon, với mục tiêu thúc đẩy sử dụng tài sản kỹ thuật số ở Hồng Kông, tập trung vào token hóa tài sản bất động sản và phát hành tài sản dưới dạng e-HKD. Bằng cách tận dụng nền tảng CBDC của Ripple, giải pháp này sẽ tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại tại Hồng Kông đơn giản hoá các dịch vụ cho vay và thanh toán linh hoạt. Sự hợp tác giữa Ripple và Fubon Bank cũng làm nổi bật tiềm năng của cấu trúc tài chính trong tương lai trong đó các CBDC và các tài sản kỹ thuật số khác có thể hoạt động cùng nhau. Không giống như e-CNY, một CBDC của Trung Quốc được định vị để thay thế stablecoin, Hồng Kông ủng hộ sự cùng tồn tại của CBDC và các tài sản kĩ thuật số khác. Nỗ lực hợp tác này cho thấy tiềm năng của các giải pháp tài chính tân tiến, tích hợp hệ thống ngân hàng truyền thống cùng với các công nghệ kỹ thuật số mới nổi.
Sự hợp tác giữa HKMA và Ripple là một minh chứng cho tinh thần sẵn sàng và cởi mở của khu vực này trong việc chấp nhận blockchain và các tài sản kĩ thuật số. Thay vì hạn chế hoặc cấm hoàn toàn các công nghệ mới, Hồng Kông luôn sẵn sàng khám phá và tận dụng những lợi ích tiềm năng của công nghệ blockchain cùng hệ thống sổ cái phân tán trong lĩnh vực tài chính. Lập trường hướng đến tương lai giúp định vị Hồng Kông là một bên luôn đủ động trong việc thúc đẩy chuyển đổi số.
Ứng dụng của công nghệ blockchain và hệ thống sổ cái phân tán đã được chứng minh trong suốt nhiều năm qua khi các công nghệ này giúp tăng cường mức độ bảo mật, sự minh bạch và hiệu quả trong các giao dịch tài chính ở nhiều trường hợp sử dụng khác nhau. Khi tích cực tham gia cùng Ripple trong Chương trình Thí điểm e-HKD, HKMA dường như nhận ra những lợi thế tiềm năng mà các công nghệ này mang lại, thể hiện rõ hơn cam kết thúc đẩy một hệ sinh thái tài chính đổi mới có thể mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp và cá nhân.
Dù kết quả của chương trình thí điểm vẫn chưa có gì chắc chắn nhưng sự hợp tác giữa HKMA và các công ty như Ripple đã cho thấy một bước tiến lớn trong việc khám phá sự cùng tồn tại theo cách cùng có lợi của tài sản kỹ thuật số và tiền tệ của ngân hàng trung ương. Cách tiếp cận này thách thức quan niệm phổ biến rằng các hệ thống tài chính truyền thống và các công nghệ mới nổi không thể cùng tồn tại và cái này sẽ dẫn đến sự sụp đổ của cái kia. Thay vào đó, phương thức này nắm bắt tiềm năng hội nhập và sức mạnh tổng hợp giữa hai lĩnh vực.
Hy vọng rằng điều này sẽ là một ví dụ tích cực cho các khu vực khác, minh hoạ cho một cách tiếp cận cân bằng và cởi mở có thể dẫn đến việc khám phá ra các giải pháp mới và tạo ra một hệ sinh thái tài chính vững mạnh và năng động.
Tuyên bố miễn trừ trách nhiệm: Các thông tin trong bài viết này chỉ nhằm mục đích tham khảo. Bài viết này không cấu thành sự đảm bảo cho bất kỳ sản phẩm và dịch vụ nào được thảo luận hoặc lời khuyên về đầu tư, tài chính hoặc giao dịch. Trước khi đưa ra bất kỳ quyết định tài chính nào, bạn nên tìm kiếm lời khuyên từ các chuyên gia.